Hạ đường huyết là một trong những biến chứng nguy hiểm mà người bệnh tiểu đường hay mắc phải. Trung bình người bị tiểu đường trong 10 năm sẽ bị hạ đường huyết khoảng 3.000 lần và càng về sau, tình trạng này sẽ càng xuất hiện nhiều hơn. Khi bị hạ đường huyết người bệnh cảm thấy mệt đột ngột, đau đầu, chóng mặt, chân có cảm giác nặng, có cảm giác đói cồn cào, vã mồ hôi, lo lắng, bứt rứt, run tay, tim đập nhanh, buồn nôn và nôn.
Ngoài ra, còn có một số người bị rối loại thần kinh trung ương như nhức đầu, mắt mờ, cư xử bất thường, mất trí nhớ, mất tri giác, thậm chí co giật và hôn mê. Hạ đường huyết quá mức nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong.
1. Nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết
– Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh dùng insulin quá liều, sai lầm về chế độ ăn uống (ăn quá muộn sau tiêm insulin, ăn không đủ, thành phần các bữa ăn ít glucid, bỏ bữa mà vẫn tiêm insulin, thiếu bữa phụ mà vẫn tiêm nhiều insulin).
– Hoạt động thể lực không thường xuyên.
– Uống bia, rượu, hút thuốc lá quá nhiều.
2. Cách xử lý khi bị hạ đường huyết
– Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ và trung bình: phải nhanh chóng ăn nhẹ các món như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc nước đường (150ml), 100ml nước ngọt (coca cola), uống 100ml -150ml nước hoa quả (cam), để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Đối với trường hợp hạ đường huyết nặng: tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 20 – 30% (40 – 60ml), có thể nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh. Khi tiêm cần tiêm rất chậm, liều sử dụng không quá 60ml, sau đó thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch ngọt 10-15%. Tiêm glucose tĩnh mạch đồng thời cũng là test chẩn đoán có giá trị lớn, các dấu hiệu hôn mê sẽ mất ngay tức thì. Cũng có thể tiêm glucagon (tiêm bắp hay tĩnh mạch cũng có tác dụng tương tự). Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể tự khỏi không để lại di chứng gì.
– Nếu không thấy tiến triển, phải đưa ngay bệnh nhân vào cơ sở y tế để điều trị.
3. Phòng hạ đường huyết
– Cần dự phòng lượng glucoza bột ở nhà để có sử dụng ngay bằng đường uống nếu thấy bệnh nhân có dấu hiệu bị hạ đường huyết.
– Mỗi bệnh nhân cũng như người sống cùng trong nhà cần nắm vững được các dấu hiệu hạ đường huyết để tự phát hiện sớm. Khi có các dấu hiệu hạ đường huyết phải thử máu ngay, nếu có điều kiện (sử dụng các máy thử đường huyết, hoặc báo ngay cho các nhân viên y tế để kiểm tra đường huyết).
XEM THÊM:
Tôi không ngờ mình lại bị tiểu đường
Chia sẻ kiến thức: Bệnh tiểu đường uống nước dừa được không ?