Tầm soát bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là phát hiện sớm những người bị đái tháo đường nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng.
Tầm soát bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) típ 1
Bệnh đái tháo đường típ 1 thường có nguồn gốc tự miễn với sự hiện diện của các loại tự kháng thể (Cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại một mô, cơ quan nào đó của cơ thể) do đó sự hiện diện của các tự kháng thể như: ICA, IAA, GAD, IA_2 giúp xác định nhóm bệnh nhân nguy cơ. Tuy nhiên cho đến nay do chưa có biện pháp nào ngăn ngừa hiệu quả ĐTĐ típ 1 và tỷ lệ bệnh nhân bị ĐTĐ típ 1 thấp (<10% những người bị ĐTĐ), người ta không đặt vấn đề tầm soát bệnh ĐTĐ típ 1.
Tầm soát bệnh đái tháo đường típ 2
Đây là loại thường gặp (chiếm 90 đến 95 % bệnh nhân bị ĐTĐ) và khoảng một nửa số bệnh nhân bị ĐTĐ típ 2 đã không được chẩn đoán. Do bệnh diễn tiến âm ỷ và thường là khi bệnh nhân được chẩn đoán thì các biến chứng của bệnh đã xuất hiện, thậm chí có những bệnh nhân lần đầu tiên chẩn đoán ĐTĐ thì đã mắc phải những biến chứng nặng nề của bệnh ĐTĐ.
Như vậy, việc phát hiện sớm bệnh ĐTĐ típ 2 có thể làm giảm bớt gánh nặng điều trị, mức độ trầm trọng của bệnh và giúp phòng chống những biến chứng mãn tính khác một cách hiệu quả.
Sau đây là các khuyến cáo về việc tầm soát bệnh ĐTĐ típ 2
Mọi đối tượng hơn 45 tuổi, nhất là những người mập (có BMI > 25 kg/m2), nếu thử đường huyết có kết quả ở mức bình thường nên thử lại đường huyết sau mỗi 3 năm.
Các đối tượng sau đây phải được thử đường huyết để tầm soát ở tuổi trẻ hơn với tần suất cao hơn:
- Người ít vận động
- Có người quan hệ trực hệ trong gia đình bị bệnh ĐTĐ
- Thuộc sắc dân có nguy cơ cao (Mỹ da đen, Mỹ bản địa, Mỹ gốc Châu Á, dân Châu Á Thái Bình Dương).
- Đã từng sinh con mà cân nặng lúc sinh của đứa trẻ lớn hơn 4 - 4.5 kg hoặc đã được chẩn đoán là ĐTĐ trong thai kỳ.
- Bị tăng huyết áp (Huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg).
- Có HDLc <= 35mg/dl (0.9mmol/l) hoặc mức triglycerid >=250mg/dl (2.82mmol/l)
- Có hội chứng buồng chứng đa nang.
- Đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói.
- Có tình trạng bệnh lý kết hợp với đề kháng insulin (như bệnh gai đen, buồng trứng đa nang).
- Có tiền căn bị các bệnh về mạch máu.
Trên thực tế tầm soát bằng cách thử đường huyết lúc đói sẽ kinh tế, dễ dàng thực hiện và tiện lợi.
Tầm soát ĐTĐ típ 2 trên trẻ em
- Từ hai thập kỷ trở lại đây, tỷ lệ trẻ em bị bệnh ĐTĐ típ 2 gia tăng rất cao nhất là các trẻ em bị béo phì và trẻ thuộc các sắc dân có nguy cơ cao.
- Tất cả trẻ thừa cân và có hai trong số bất cứ nguy cơ nào sau đây cần phải tầm soát đái tháo đường típ 2
- Có người liên hệ trực hệ hoặc hàng thứ hai bị ĐTĐ
- Thuộc sắc dân hoặc chủng tộc có nguy cơ cao
- Có dấu hiệu đề kháng insulin hoặc tình trạng bệnh kết hợp với đề kháng insulin (Dấu gai đen, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, buồng trứng đa mang)
- Mẹ có tiền căn ĐTĐ thai kì.
Tầm soát lần đầu vào khoảng 10 tuổi, thử lại vào tuổi dậy thì nếu dậy thì sớm. Nếu kết quả bình thường thử lại mỗi 2 năm/ lần.
XEM THÊM:
37 tuổi bị tiểu đường, tôi đã sốc!
Nhai chậm lại, nguy cơ tiểu đường giảm 80%