Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường. Đây là nguyên nhân chính gây mù lòa ở các nước phát triển và đang dần phổ biến ở các nước đang phát triển. Sau đây là bài phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Võng mạc Hoa Kỳ - Tiến sĩ Judy E. Kim về bệnh võng mạc tiểu đường. Mời các bạn đọc theo dõi để hiểu rõ hơn về bệnh này.
Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng hay gặp trên mắt ở bệnh nhân tiểu đường.
Phóng viên (PV): Thưa tiến sĩ, bệnh võng mạc tiểu đường (DR) là gì và nó đe dọa thị lực như thế nào?
Tiến sĩ Judy E. Kim (JEK): Trong bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao mãn tính làm suy yếu các mạch máu trong cơ thể, bao gồm ở mắt. Lượng đường dư thừa làm thu hẹp mạch máu, làm giảm tính linh hoạt của mạch máu và cản trở lưu lượng máu đến mọi bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng rõ rệt nhất tại tim, thận, thần kinh và mắt.
Khi các mạch máu yếu đi, chúng sẽ dễ bị tổn thương gây ra microaneurysms (hiện tượng các mạch máu bị phình ra, giãn ra tạo thành các khu vực có đường kính bất thường), hoặc các mạch máu bị giãn ra gây rò rỉ hoặc vỡ. Những vết thương này giải phóng máu và các chất dịch do tổn thương vào thủy tinh thể, làm mờ tầm nhìn của bệnh nhân.
Các dấu hiệu bệnh võng mạc tiểu đường.
Khi mao mạch bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu võng mạc, khi đó cơ thể phản ứng bằng cách tiết ra các yếu tố kích thích sự phát triển các mạch máu mới để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này, dẫn đến mắt bị quá tải bởi sự phát triển quá mức của các mạch máu mới. Trong khi các mạch máu mới này thường rất yếu ớt và dễ bị rách, rò rỉ.
Khi các chất lỏng tích tụ trong mắt, chúng sẽ chặn hoặc đè lên đĩa thị (dây thần kinh truyền hình ảnh thị giác đến não để xử lý), làm sưng điểm vàng (vùng cảm nhận hình ảnh nằm ở trung tâm của võng mạc), hoặc thậm chí làm bong võng mạc (các tế bào bị kéo ra khỏi thành mắt). Tất cả những điều này đều làm đe dọa đến thị lực của bạn. Ngoài ra bệnh nhân tiểu đường còn có nguy cơ bị phù hoàng điểm do tiểu đường, xảy ra khi chất lỏng từ các mạch máu bị tổn thương của mắt rò rỉ vào điểm vàng, gây sưng tấy.
PV: Vậy Tiến sĩ có thể cho biết những đối tượng nào có thể bị bệnh võng mạc do tiểu đường?
JEK: Bất kỳ ai mắc bệnh tiểu đường đều có nguy cơ gặp biến chứng này, bao gồm các bệnh nhân tiểu đường tuýp I, tuýp II, tiểu đường thai kỳ hay thậm chí tiền tiểu đường.
Bệnh nhân càng bị tiểu đường lâu, lượng đường huyết càng ít được kiểm soát thì nguy cơ bị bệnh võng mạc tiểu đường càng cao, mặc dù có 1 số trường hợp hiếm hoi bệnh nhân bị tiểu đường hàng chục năm mà không bị ảnh hưởng tới võng mạc. Chúng tôi chưa thể lý giải nguyên nhân đằng sau đó.
Các bác sĩ đã tìm thấy các dấu hiệu về bệnh võng mạc trên 10% bệnh nhân mới chỉ mắc tiền tiểu đường.
PV: Các giai đoạn của bệnh võng mạc tiểu đường là gì thưa tiến sĩ?
JEK: Chúng tôi phân loại DR thành các giai đoạn: không tăng sinh (nhẹ, trung bình, nặng, nghiêm trọng) và tăng sinh.
Các giai đoạn này được phân biệt qua mức độ nghiêm trọng, số lượng microaneurysms (mạch máu bị phình ra), thể tích chất lỏng hoặc máu bị rò rỉ, mức độ bất thường của mạch máu và mức độ tắc nghẽn trong mắt.
Giai đoạn đầu là không tăng sinh. Trong giai đoạn này, đôi mắt chưa tạo ra sự phát triển quá mức hoặc tăng sinh của các mạch máu bị rò rỉ. Tuy nhiên, các mạch máu bị suy yếu do bệnh tiểu đường có thể cản trở quá trình lưu thông máu và chất dinh dưỡng trong võng mạc.
Khi các mạch máu bổ sung phát triển trong võng mạc hoặc trên bề mặt của võng mạc, bệnh võng mạc tiểu đường đã đạt đến giai đoạn tăng sinh. Sự phát triển mạch máu bất thường trên mống mắt sẽ dẫn đến áp suất mắt tăng cao, sau đó làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến giảm thị lực. Nếu không được điều trị, biến chứng này sẽ dẫn đến mù lòa.
PV: Làm thế nào để mọi người biết họ có đang bị bệnh tiểu đường võng mạc không thưa tiến sĩ?
JEK: Triệu chứng phổ biến nhất là không có triệu chứng - nghe có vẻ buồn cười nhưng vì lý do đó mọi người không được chủ quan. Bất kỳ ai có lượng đường trong máu bất thường, tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường nặng nên nhanh chóng lên lịch đi khám mắt.
Các triệu chứng xảy ra khi bệnh tiến triển dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác. Bệnh nhân có thể nhìn thấy những vật thể giống như những sợi dây nhỏ hoặc những chấm đen nhỏ, còn được gọi là “ruồi bay trước mắt” (eye floaters), di chuyển trong tầm nhìn của họ. Theo thời gian, những hình dạng này sẽ tăng về số lượng.
Bệnh nhân có thể nhìn thấy những vật thể như sợi dây hoặc chấm đen nhỏ trước mắt.
Khi đi khám, các bác sĩ sẽ thực hiện một sàng lọc dễ dàng và không xâm lấn để phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường. Các bác sĩ sử dụng thuốc nhỏ mắt làm giãn hoặc mở rộng đồng tử để nhìn được trực tiếp vào trong mắt. Sau đó, họ sẽ sử dụng đèn chiếu sáng để đánh giá sức khỏe của võng mạc và các mạch máu của nó.
Nếu nghi ngờ có tổn thương, các bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm khác.
PV: Nếu bệnh nhân được xác định bị bệnh võng mạc tiểu đường thì họ sẽ được điều trị như thế nào thưa Tiến sĩ?
JEK: Trường hợp triệu chứng nhẹ không phù, bệnh nhân nên tái khám sau 6 tháng hoặc 1 năm. Khi bệnh tiến triển, chúng tôi sẽ xem xét sử dụng thuốc ức chế tăng sinh tân mạch (anti – VEGF) để kiểm soát bệnh.
Khi thuốc anti-VEGF được tiêm vào mắt, nó sẽ có tác dụng ức chế sự hình thành yếu tố tăng trưởng nội mô, giúp ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới, ngăn chặn sự chảy máu và chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong mắt. Bệnh nhân dùng loại thuốc này trung bình cần tám mũi tiêm trong năm đầu tiên, bốn mũi trong năm thứ hai và một mũi trong năm thứ ba. Các phương pháp điều trị tiếp theo khác nhau tùy theo từng cá nhân.
PV: Nếu thuốc anti – VEGF không hoạt động thì bệnh nhân sẽ được điều trị thế nào thưa Tiến sĩ?
JEK: Nếu anti-VEGF thất bại, chúng tôi sẽ thử dùng steroid. Tác dụng của thuốc này kéo dài từ 1 đến 2 năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, steroid làm tăng nhãn áp và đẩy nhanh quá trình hình thành bệnh đục thủy tinh thể.
Trong trường hợp bệnh nhân bị các vấn đề khác như xuất huyết thủy tinh thể hoặc bong võng mạc, họ cần phải được phẫu thuật.
PV: Vậy Tiến sĩ có thể cho mọi người được biết tiên lượng cho các bệnh nhân bị võng mạc tiểu đường là gì?
JEK: Tiên lượng thường khá tốt. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, ta có thể ngăn ngừa khoảng 90% trường hợp mù lòa do bệnh này gây ra. Và tất nhiên, nếu chẩn đoán hoặc điều trị muộn sẽ tăng nguy cơ mất thị lực.
Bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ cũng cần theo dõi bệnh võng mạc tiểu đường chặt chẽ vì bệnh này có thể phát triển rất nhanh trong thai kỳ và cả sau khi sinh.
Bệnh nhân tiểu đường thai kỳ cần theo dõi tình trạng thị lực chặt chẽ.
PV: Sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải trong việc ngăn ngừa bệnh võng mạc tiểu đường là gì, thưa Tiến sĩ?
JEK: Một số bệnh nhân chỉ đi cắt kính hoặc kính áp tròng mà không khám mắt toàn diện. Nếu bệnh nhân đi khám mắt mà không kiểm tra phần bên trong mắt, nơi mà các bệnh võng mạc tấn công, thì họ đang bỏ qua một biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Nếu trong khi khám, bác sĩ phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh võng mạc thì bệnh nhân cần làm việc với bác sĩ để theo dõi tình trạng mắt cẩn thận, ngay cả khi các triệu chứng chưa xuất hiện. Tất nhiên, dù ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh nhân cũng cần kiểm soát các yếu tố ABCD – S (A: HbA1c, B: huyết áp, C: cholesterol máu, D: chế độ ăn uống lành mạnh, S: không hút thuốc lá).
PV: Làm thế nào để bệnh nhân có thể biết được tình trạng thị lực của mình thưa Tiến sĩ?
JEK: Tôi thường đề nghị với các bệnh nhân của mình lần lượt che một mắt và nhìn bằng mắt còn lại, lưu ý kỹ những khác biệt hoặc dấu hiệu lạ. Bộ não của con người thông minh đến mức nếu một mắt gặp vấn đề, nó sẽ tự bù đắp sự thiếu hụt thị lực đó khi bạn nhìn cả bằng cả hai mắt.
Ngoài ra, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ mắt thường xuyên. Hiện tại, chỉ có 40% bệnh nhân tiểu đường được sàng lọc bệnh võng mạc.
PV: Tiến sĩ có thông điệp gì về bệnh võng mạc tiểu đường gửi đến người đọc không?
JEK: Tôi muốn bất kỳ ai có nguy cơ hoặc đã được xác nhận mắc bệnh tiểu đường biết rằng bệnh võng mạc tiểu đường không phải là một bệnh quá tồi tệ hay tuyệt vọng. Bệnh nhân hoàn toàn có thể ngăn ngừa nguy cơ mất thị lực vì nó.
PV: Cảm ơn Tiến sĩ
XEM THÊM: