Danh sách dược sĩ tư vấn Danh sách nhà thuốc

Tìm kiếm
Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0243.734.2904 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Thăm dò ý kiến

Bạn đang dùng sản phẩm nào của Botania?

Những điều cần biết về phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Thứ năm, 24-11-2016 11:33 AM

Mục lục [Ẩn]

Khi tai biến mạch máu não hay đột quỵ xảy ra, lưu lượng máu chảy đến não bị ngắt kết nối khiến cho các tế bào não suy yếu và chết dần, từ đó gây ra một loại các di chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như liệt nửa người, không nói được… Vì vậy, phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi di chứng sau tai biến nhằm giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cuộc sống của gia đình và cộng đồng. Bài viết hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu về các phương pháp phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não nhé.

  

Tai biến mạch máu não là gì?

Tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) là tình trạng một phần não bị tổn thương do mạch máu não đột ngột bị tắc hoặc vỡ.

Nguyên nhân chính là do cục máu đông hình thành và gây bít tắc mạch máu nuôi dưỡng não. Khi đó, não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng nên dần hoại tử, mất khả năng kiểm soát các cơ quan trên cơ thể, gây ra các di chứng như: Liệt nửa người, méo miệng, suy giảm trí nhớ… thậm chí là tử vong.

 

Hình ảnh tai biến mạch máu não trên phim chụp CT

Hình ảnh tai biến mạch máu não trên phim chụp CT

 

Phân loại tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não được phân loại thành hai dạng nhồi máu não (chiếm 80%) và xuất huyết não (chiếm 20%). Hai thể bệnh này có triệu chứng tương đối giống nhau và dễ gây nhầm lẫn

  • Nhồi máu não (tắc mạch máu não):

Nhồi máu não là hậu quả của sự suy giảm đột ngột lưu lượng máu tới não do tắc toàn bộ hay một phần động mạch não. Gần 2/3 số các trường hợp bị tai biến mạch máu não do dòng máu đến một vùng nào đó của não bị tắc nghẽn, và vùng đó không nhận được oxy và các chất dinh dưỡng dẫn đến bị hoại tử (nhồi máu não).

Lâm sàng biểu hiện bằng sự xuất hiện đột ngột các triệu chứng thần kinh khu trú, thường gặp là liệt nửa người.

 

Phân loại tai biến mạch máu não

Phân loại tai biến mạch máu não

 

  • Xuất huyết não (Chảy máu não):

Xuất huyết não hay chảy máu não xảy ra khi máu thoát khỏi thành mạch vào nhu mô não. Tuy chỉ chiếm 20% trong các trường hợp tai biến mạch máu não, nhưng xuất huyết não thường gây hậu quả nặng nề hơn.

Khi máu từ chấn thương kích thích các mô não gây phù não. Máu tụ lại làm tăng áp lực lên mô não gần đó và làm giảm lưu lượng máu, các tế bào không được nuôi dưỡng sẽ bị chết.

Nguyên nhân gây xuất huyết não thường do thành mạch yếu, ví dụ do phình và bị vỡ khi huyết áp tăng cao, hay chấn thương (ngã đập đầu). Ngoài ra, những người mắc cả hai bệnh xơ vữa động mạch và huyết áp cao thường có nguy cơ tai biến mạch máu não cao hơn là khi chỉ bị mắc một bệnh riêng lẻ.

 

Triệu chứng tai biến mạch não

Triệu chứng bệnh tai biến mạch máu não có thể nhận biết nhanh qua chữ cái viết tắt F.A.S.T như sau:

  • F (Face) - Khuôn mặt: Người bệnh bất ngờ bị méo xệch khuôn mặt, miệng cũng méo.

 

  • A (Arms) - Cánh tay: Nếu bất ngờ một bên cánh tay hoặc một bên chân người bệnh bị tê yếu, không cử động được như ý muốn, đây cũng là dấu hiệu tai biến bạn không nên bỏ qua.

 

  • S (Speech) - Giọng nói: Nếu người bệnh bất ngờ không nói được hoặc bị nói ngọng, nói lắp thì đây cũng là một triệu chứng thường gặp của người tai biến.

 

  • T (Time) - Thời gian: Khi thấy người bệnh có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn hãy ngay lập tức gọi cấp cứu. Thời gian phục hồi sau tai biến và khả năng phục hồi sau tai biến phụ thuộc vào việc người bệnh được cấp cứu nhanh hay chậm và phương pháp điều trị tai biến mạch máu não đúng đắn.

 

Triệu chứng tai biến mạch máu não

Triệu chứng tai biến mạch máu não

 

Các di chứng thường gặp sau tai biến mạch máu não

Bị tai biến mạch máu não đôi khi có thể gây ra các khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào thời gian não thiếu lưu lượng máu và vị trí bị ảnh hưởng. Các biến chứng có thể bao gồm:

  • Liệt nửa người, yếu tay chân sau tai biến

Theo thống kê của Hội phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm có 200.000 ca nhập viện vì tai biến, một nửa trong đó là tử vong, 92% bệnh nhân trong số những người còn sống sót thì mắc di chứng yếu, liệt tay chân, trong đó 27% là những ca di chứng nặng.

Các cơ tay chân bị suy yếu gây trở ngại cho người bệnh khi vận động hoặc giữ thăng bằng. Có người bị liệt chân, tay hoặc thậm chí là liệt nửa người. Nếu di chứng nặng người bệnh có thể phải đối diện với tình trạng liệt nửa người, phải nằm trên giường điều trị một thời gian dài. Mọi sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân sau tai biến đều cần phải nhờ đến sự hỗ trợ một phần hoặc hoàn toàn của người thân trong gia đình.

 

  • Rối loạn ngôn ngữ

Tai biến mạch máu não có thể khiến cho vùng não đảm nhận chức năng ngôn ngữ bị tổn thương gây ra sự thay đổi trong hoạt động của các cơ ở môi, lưỡi, hàm, vòm miệng hay dây thanh quản.

Biểu hiện cụ thể của rối loạn ngôn ngữ sau tai biến đó là: gặp khó khăn khi nói, không nói được, nói ngọng, nói lắp, vẫn nói được nhưng không hiểu ngôn từ của người khác, không biết diễn tả…

 

  • Khó nuốt, khó nói

Tai biến mạch máu não có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát các cơ trong miệng và cổ họng của bệnh nhân, khiến bệnh nhân sau tai biến mạch máu não khó nói chuyện rõ ràng (chứng khó đọc), nuốt (chứng khó nuốt) hoặc khó ăn.

Tình trạng khó nuốt, khó nói này cũng là một di chứng thường gặp sau tai biến, khoảng 52% bệnh nhân sau tai biến mạch máu não phải chịu di chứng này.

 

  • Rối loạn đại - tiểu tiện

Tai biến mạch máu não gây ra sự rối loạn cơ tròn ở bàng quang và hậu môn, khiến cho hoạt động của 2 cơ quan này bị thay đổi. Chính vì vậy mà những bệnh nhân sau tai biến thường gặp di chứng rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ, tiểu rắt, tiểu khó) và rối loạn đại tiện (táo bón, đại tiện không tự chủ).

 

  • Viêm loét da

Biến chứng viêm loét da sau tai biến chỉ gặp ở những bệnh nhân liệt nửa người, bán thân bất toại. Nguyên nhân là do cơ thể nằm lâu một chỗ, nhất là không được xoa bóp, trở mình thường xuyên, khiến mao mạch máu dưới da khó tuần hoàn, đồng thời máu tĩnh mạch bị ứ lại gây xung huyết, hoại tử mô.

Các biểu hiện của tình trạng viêm loét da sau tai biến là: da sung huyết nên có màu đỏ, đau đớn ở vùng da bị loét, da phồng lên như bị phỏng nếu bị vỡ có thể quan sát được da ở trong có màu đỏ bầm hoặc xanh nhạt rồi đen lại.

 

  • Rối loạn cảm xúc và trầm cảm

Rối loạn cảm xúc sau tai biến có thể khiến người bệnh thay đổi tâm trạng đột ngột, thường xuyên lo lắng, bi quan, thậm chí là nghĩ đến cái chết. Vấn đề này nếu không được điều trị tâm lý kịp thời thì có thể dẫn tới trầm cảm nặng, làm thay đổi hành vi và tính cách của người bệnh.

 

  • Rối loạn xúc giác

Xúc giác giúp chúng ta có thể cảm nhận được các kích thích trên da thông qua các động tác chạm, sờ, nắm. Ví dụ chạm vào một cốc nước bạn sẽ biết nó là nước lạnh hay nước nóng, nắm một quả bóng bạn sẽ biết nó mềm hay cứng…

Tuy nhiên, với những người sống sót sau tai biến, sự cảm nhận này không còn giống như bình thường nữa. Bán cầu não phải và thùy chẩm là vùng não điều khiển xúc giác, nếu như những tế bào não ở vùng này bị tổn thương và chết đi thì xúc giác sẽ thay đổi.

Những biểu hiện thay đổi xúc giác đó là: có cảm giác châm chích, râm ran đầu ngón tay, tê bì tay chân, cảm giác nóng ran hoặc lạnh trên bề mặt da…

 

  • Suy giảm trí nhớ

Những tế bào não bị thiệt hại sau tai biến có thể làm suy giảm trí nhớ của bệnh nhân, làm cho trí nhớ trở nên mờ nhạt với một số biểu hiện như dễ đi lạc vì không nhớ đường, quên ngày sinh nhật của ai đó trong gia đình, thậm chí là mất trí nhớ hoàn toàn… Nếu vấn đề này không được cải thiện từ sớm nó sẽ trở nên trầm trọng hơn.

 

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Vì tai biến mạch máu não có thể gây ra nhiều di chứng nặng nề nên qua giai đoạn cấp, người bệnh cần được thực hiện phục hồi chức năng. Việc phục hồi chức năng cần toàn diện,  càng sớm càng tốt và tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh.

 

Mục tiêu của việc phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não là tránh viêm phổi, tắc mạch do nằm lâu, giữ tư thế tốt và đúng để tránh teo cơ, cứng khớp và biến dạng khớp, tập luyện để duy trì và tăng cường sức mạnh cơ, giúp người bệnh độc lập tối đa trong sinh hoạt hàng ngày nhờ dụng cụ trợ giúp. Cụ thể:

 

- Trường hợp tai biến nghiêm trọng, bệnh nhân phải nằm một chỗ: Nguyên tắc là tập thụ động tại giường. Người thân cần giúp bệnh nhân tập tất cả các khớp, từ khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân đến khớp lớn như khớp vai, háng. Tập mỗi lần 15 - 30 phút với tần suất 2 - 3 lần/ngày. Trong trường hợp liệt nửa người, bệnh nhân có thể cử động nhẹ thì vẫn tập thể dục như bình thường, động tác nào không thực hiện được thì người nhà cần giúp đỡ. Những trường hợp này có thể dùng thêm dụng cụ hỗ trợ.

- Trường hợp người bệnh vẫn còn tự sinh hoạt được: Có thể luyện tập theo hướng dẫn của kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Khi đã thuần thục thì không cần hướng dẫn và học thêm bài tập cao cấp hơn.

 

Trên thực tế, các chuyên gia cho rằng, sự phục hồi thường chỉ rõ rệt ở những bệnh nhân tổn thương ở mức độ nhẹ đến trung bình. Còn với những bệnh nhân bị tổn thương ở mức độ nặng, khả năng phục hồi rất hạn chế, nhất là khi để lâu. Chính vì vậy, người bị tai biến cần luyện tập phục hồi chức năng sớm nhất có thể. Trong quá trình điều trị, các chuyên gia cũng thống nhất nguyên tắc là sau giai đoạn cấp, cần cho bệnh nhân ngồi sớm (trong vòng 24 - 48 giờ kể từ khi cơn tai biến khởi phát) để tránh những biến chứng có thể gây tử vong như: Viêm phổi, thuyên tắc tĩnh mạch sâu… 

 

Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

Phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

 

Các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não

 

  • Tập chuyển trọng lượng lần lượt sang hai chân

Bệnh nhân đứng tựa hông bên lành cạnh mép bàn, hoặc vịn nhẹ tay lành lên mặt bàn, hai bàn chân ngang bằng nhau, cách nhau 15-20cm. Người tập hướng dẫn bệnh nhân đưa hông ra trước, gấp chân liệt lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang bên chân lành, giữ như vậy vài giây. Sau đó từ từ duỗi chân liệt ra. Rồi gấp chân lành lại, chuyển trọng lượng cơ thể sang chân bên liệt. Giữ như vậy vài giây rồi làm lại như lúc bắt đầu.

   Có thể hướng dẫn bệnh nhân tập bằng cách đứng tựa nhẹ mông vào mép bàn, hai bàn chân ngang nhau, cách nhau 15-20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó bệnh nhân lần lượt chuyển trọng lượng sang chân bên lành, giữ như vậy vài giây rồi lại chuyển sang chân bên liệt luân phiên như vậy.

 

  • Tập gấp, duỗi khớp háng và khớp gối bên liệt

Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân cách nhau khoảng 15-20 cm, chân lành ở trước chân liệt ở sau. Sau đó, bệnh nhân chuyển trọng lượng ra trước, dồn trọng lượng lên chân bên lành.

   Khi toàn bộ trọng lượng cơ thể đã dồn lên chân lành ở phía trước, người tập yêu cầu bệnh nhân tập gấp và duỗi khớp háng và khớp gối bên chân liệt. Lưu ý khi gấp khớp háng và khớp gối chỉ nâng gót chân bên liệt (không nhấc cả bàn chân) lên khỏi sàn nhà.

   Hoặc người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng vịn nhẹ tay vào một vật nào đó bên cạnh, hai bàn chân ngang nhau cách nhau khoảng 15-20 cm, sau đó dồn trọng lượng lên chân bên lành rồi tập gấp, duỗi khớp gối và khớp háng bên liệt.


 

  • Tập đứng, dồn trọng lượng lần lượt lên hai chân

    Người tập hướng dẫn bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, hai tay thả lỏng dọc theo thân, hai bàn chân cách nhau 15 - 20 cm, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Sau đó, yêu cầu bệnh nhân lần lượt lấy chân trái làm trụ, dạng chân bên phải ra, nhấc bàn chân lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên trái. Người tập luôn đứng về phía bên liệt của bệnh nhân để hỗ trợ khi cần thiết và đề phòng bệnh nhân ngã về phía bên liệt.
 
   Tiếp đến lấy chân phải làm trụ, dạng chân bên trái ra, nhấc bàn chân trái lên khỏi sàn nhà để toàn bộ trọng lượng cơ thể dồn lên chân bên phải. Để đảm bảo an toàn nên cho bệnh nhân đứng bên cạnh một vật gì đó (bàn, tường, thanh song song...) để bệnh nhân có thể vịn đỡ khi cần thiết.

 

  • Tập đứng thăng bằng

   Bệnh nhân đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân (thăng bằng tĩnh), nếu cần trợ giúp người tập đứng về phía bên liệt. Hướng dẫn bệnh nhân tập quay đầu nhìn ra sau qua vai bên liệt và vai bên lành; đứng và vận động thân mình: cúi, ngửa, nghiêng, xoay; đứng và vận động tay: đưa tay lên trên, xuống dưới, sang phải, sang trái (thăng bằng động).

 

  • Tập dồn trọng lượng lên chân liệt

Bệnh nhân đứng thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Người tập đứng về phía bên liệt của bệnh nhân, giúp bệnh nhân duỗi thẳng tay sang ngang, khớp vai vuông góc. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó bên cạnh, cao 15-20cm.

Có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng trong thanh song song, hai tay vịn nhẹ lên hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều trên hai chân. Yêu cầu bệnh nhân chuyển và dồn trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó phía trước cao 15-20 cm.

Khi khả năng thăng bằng và vận động của bệnh nhân đã tốt hơn, có thể hướng dẫn bệnh nhân tự tập bằng cách đứng thẳng, sau đó chuyển trọng lượng sang bên chân liệt, bước chân lành lên một vật gì đó cao 20- 30cm ở phía trước mặt để dồn trọng lượng cơ thể lên chân bên liệt.

Cũng có thể hướng dẫn bệnh nhân đứng, bước và đặt bàn chân liệt lên một bục tập (hoặc vật gì đó cố định vững chắc) cao 15-20 cm ở phía trước.  Sau đó nhấc chân lành lên rồi đặt xuống như cũ hoặc đặt bàn chân lành lên bục tập cùng với chân liệt hoặc bước chân lành qua bục tập sang phía bên kia.

 

Tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm, để lại nhiều di chứng và rất tốn kém chi phí điều trị. Các bài tập phục hồi chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện di chứng mắc phải. Hy vọng qua bài viết, quý bạn đọc đã nắm được những nguyên tắc phục hồi chức năng cơ bản sau tai biến mạch máu não. Đồng thời gia đình cần phải nỗ lực trong việc giúp đỡ bệnh nhân để bệnh nhân kiên trì thực hiện các bài tập phục hồi chức năng sau tai biến mạch máu não.

 

XEM THÊM:

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

Hỗ trợ 24/7
  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0243.734.2904 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Ý kiến bạn đọc

Danh sách nhà thuốc